Bên ngoài thùng chứa hóa chất thường được dán các loại nhãn nhằm cảnh báo mức độ nguy hiểm. Các loại nhãn này được thống nhất về màu sắc, hình ảnh và được sử dụng chung trên toàn cầu. Dựa vào thông tin cảnh báo từ các loại nhãn, phương án vận chuyển, bảo quản, sử dụng sẽ được điều chỉnh tương ứng. Bài viết này chúng tôi sẽ giúp bạn nhận diện đầy đủ về các nhãn hóa chất nguy hiểm.
1/ Ký hiệu tượng hình mức độ của hóa chất nguy hiểm
Nhãn hóa chất sử dụng các ký hiệu tượng hình. Tên gọi chính xác của chúng là ký hiệu tượng hình mức độ hóa chất nguy hiểm. Các ký hiệu này được quy định và thống nhất bởi Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất (tiếng Anh: Globally Harmonized System of Classification and Labeling of Chemicals). Về cơ bản, nhãn ký hiệu sẽ được dán ở hai vị trí: một là những container, thùng hàng chứa chất hoặc sản phẩm nguy hiểm; hai là các địa điểm, khu vực nguy hiểm.
Mỗi nhãn ký hiệu thường sẽ gồm phần hình ảnh và màu sắc, tuy nhiên, đôi khi các nhãn cũng thể hiện thêm các thông tin bổ sung. Bạn cần “đọc – hiểu” ý nghĩa của tất cả các thành phần này để nắm bắt chính xác, đầy đủ thông tin mà nhãn dán truyền tải.
Ngoài hệ thống ký hiệu chung, sử dụng trong vận chuyển quốc tế, mỗi quốc gia cũng có thể tự phát triển hệ thống nhãn cảnh báo nguy hiểm riêng của mình. Vậy nhưng, để giảm thiểu mức độ “chênh lệch”, dẫn đến các sự cố ngoài ý muốn, thông thường hệ thống ký hiệu của các quốc gia không khác biệt quá lớn so với hệ thống ký hiệu tượng hình chung.
2/ Vai trò của ký hiệu tượng hình trong nhận diện hóa chất nguy hiểm
Ký hiệu tượng hình đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nhận diện và cảnh báo các hóa chất nguy hiểm vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Cụ thể:
- Các nhãn ký hiệu sẽ góp phần giúp bạn định hình, nhận dạng và phân biệt các loại hóa chất khác nhau;
- Những ký hiệu thể hiện mức độ nguy hiểm cao như WARNING hay DANGER giúp cảnh báo đội ngũ vận chuyển, giúp họ có thể đưa ra phương án vận chuyển hóa chất an toàn, phù hợp;
- Nhãn ký hiệu giúp báo cáo, thể hiện rõ tính chất và mức độ nguy hiểm, rủi ro của các loại hóa chất;
- Tạo tâm lý phòng ngừa, chuẩn bị, giúp chỉ rõ các loại hóa chất cần được xử lý riêng để hạn chế thấp nhất các rủi ro có thể xảy đến với người, tài sản và môi trường xung quanh;
- Một số nhãn cũng cung cấp thông tin về nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, giúp công việc tra cứu, rà soát diễn ra nhanh chóng, thuận tiện.
Trong trường hợp các ký hiệu cảnh báo không được sử dụng hoặc sử dụng sai cách, quy trình lưu trữ, bảo quản, vận chuyển., xử lý hóa chất,… sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm và có khả năng gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản và gây ô nhiễm môi trường.
3/ Nhận diện các nhãn hóa chất nguy hiểm
Nhãn biểu thị nguy hiểm vật lý
Nhãn biểu thị nguy hiểm vật lý dùng cho các loại hóa chất có thể gây sát thương, chấn thương và một số loại tổn thương bên ngoài khác cho cơ thể. Các nhãn biểu tượng này thường có phần ký hiệu màu đen, nằm trong hình thoi viền đỏ
- GHS01: Sử dụng cho chất nổ không ổn định, nhóm 1.1 đến 1.4, chất tự phản ứng và peroxit hữu cơ loại A và B
- GHS02: Sử dụng cho khi ga cháy – loại 1; Aerosol dễ cháy – loại 1, 2; Chất lỏng dễ cháy – loại 1, 2, 3, 4; Chất rắn dễ cháy – loại 1, 2; Chất tự phản ứng và hỗn hợp – loại B, C, D, E, F; Chất lỏng tự cháy – loại 1; Chất rắn tự cháy – loại 1; Chất rắn cháy – loại 3; Chất lỏng cháy – loại 3; Chất tự làm nóng và hỗn hợp – loại 1, 2; Chất và hỗn hợp khi tiếp xúc với nước sinh ra khí dễ cháy – loại 1, 2, 3; Peroxit hữu cơ – loại B, C, D, E, F.
- GHS03: Sử dụng cho Chất khí oxi hóa – loại 1; Chất lỏng oxy hóa – loại 1, 2, 3; Chất rắn oxi hóa – loại 1, 2, 3.
- GHS04: Sử dụng cho khí nén; khí hóa lỏng; khí hóa lỏng lạnh; khí hòa tan
- GHS05: Sử dụng cho chất ăn mòn kim loại loại 1.
Nhãn biểu hiện nguy hiểm sức khỏe
Nhãn biểu hiện nguy hiểm sức khỏe dùng cho các loại hóa chất có độc tính, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tạo ra những thương tổn từ bên trong cơ thể.
- GHS06: Độc cấp tính (miệng, da, hô hấp) – loại 1, 2, 3.
- GHS07: Độc cấp tính (miệng, da, hô hấp) – loại 4; Kích ứng da – loại 2, 3; Kích ứng mắt – loại 2A; Mẫn cảm da – loại 1; Độc tính cơ quan cụ thể sau một lần phơi nhiễm – loại 3; KHÔNG sử dụng khi có ký hiệu đầu lâu xương chéo, ký hiệu ăn mòn.
- GHS08: Mẫn cảm hô hấp – loại 1; Đột biến nguyên bào – loại 1A, 1B, 2; Tính gây ung thư – loại 1A, 1B, 2; Độc tính sinh sản – loại 1A, 1B, 2; Độc tính cơ quan đích sau một lần phơi nhiễm – loại 1, 2; Độc tính cơ quan đích sau phơi nhiễm lặp lại – loại 1, 2; Nguy hiểm hít vào – loại 1, 2.
Nhãn biểu hiện nguy hiểm môi trường
Nhãn biểu hiện nguy hiểm môi trường dùng cho các chất có thể gây ra tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến các sinh vật, môi trường tự nhiên
- GHS09: Nguy hiểm tức thời cho môi trường thủy sinh – loại 1; Nguy hiểm lâu dài cho môi trường thủy sinh – loại 1, 2.
Nhãn biểu tượng vận chuyển
Nhãn biểu tượng vận chuyển giúp cảnh báo và hướng dẫn nhận diện hóa chất để lựa chọn phương án vận chuyển hàng nguy hiểm phù hợp, lưu trữ an toàn hóa chất, hiệu quả.
- Lớp 1 – Chất nổ: Gồm các phân lớp từ 1.1 đến 1.6, các loại chất sẽ được chia vào những phân lớp khác nhau dựa theo điều kiện gây nổ, mức độ nguy hiểm, đặc tính riêng,…
- Lớp 2 – Khí ga: Gồm 3 phân lớp khí ga dễ cháy, khí không cháy không độc và khí độc.
- Lớp 3: Dùng cho các chất lỏng dễ cháy
- Lớp 4: Dùng cho các chất có khả năng bốc cháy tự phát; các chất khi tiếp xúc với nước sinh ra các loại khí dễ cháy và chất rắn dễ cháy, chất nổ rắn đã khử nhạy.
- Lớp 5: Chất oxi hóa, peroxit hữu cơ
- Lớp 6: Các chất độc, các chất lây nhiễm
- Lớp 7: Vật liệu phóng xạ
- Lớp 8: Các chất ăn mòn
- Lớp 9: Các chất và vật phẩm nguy hiểm khác
Dựa trên cách phân chia và các biểu tượng ký hiệu tương ứng, bạn có thể dễ dàng nhận diện các loại nhãn dành cho hóa chất nguy hiểm.